Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2025 (Lượt xem: 2487)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Tin địa phương

Cập nhật: 21/09/2024

Sau một thời gian Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng phối hợp với các địa phương tích cực chủ động triển khai, thực hiện Kế hoạch số 43 ngày 28/2/2023 của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc phát động Phong trào thi đua thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đã và đang tổ chức lại sản xuất trên các lĩnh vực Nông - Lâm - Thủy sản; chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang phát triển các loại cây, con có giá trị kinh tế cao hơn.

Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2025
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ.

Thực hiện các chủ trương, chương trình, Nghị quyết, Quyết định của Đảng và Nhà nước, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện đến các sở, ban, ngành, địa phương tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng gắn với xây dựng Nông thôn mới; ngành hàng chủ lực “thủy sản, lúa đặc sản, cây ăn trái”; từng bước hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng tiêu chuẩn sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao, theo hướng hữu cơ, liên kết tiêu thụ.

Theo đó, chỉ tính riêng năm 2023, tăng trưởng chung của cả tỉnh đạt 5,77%, trong đó khu vực Nông - Lâm - Thủy sản đạt 2,65%; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản là 233 triệu đồng, tăng 35 triệu đồng so với năm 2021; giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 1,5 tỷ USD, trong đó, thủy sản 950 triệu USD, gạo 410 triệu USD, rau quả 3 triệu USD.

Sầu riêng đã xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc. 

Trên lĩnh vực trồng trọt, hàng năm, sản lượng lúa đạt trên 2 triệu tấn, sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm trên 93%; đã tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, phát triển nhiều mô hình theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ. Đối với cây ăn trái phát triển và duy trì mã số vùng trồng trên Vú sữa, Nhãn, Xoài, Bưởi, Sầu riêng để phục vụ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc và tiêu thụ ở các siêu thị trong nước; lần thứ 2 gạo ST25 của tỉnh Sóc Trăng đạt giải gạo ngon nhất thế giới. Lĩnh vực chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học dịch bệnh.

Mô hình nuôi Dê.

Lĩnh vực Thủy sản tiếp tục là thế mạnh của tỉnh Sóc Trăng. Hiện nay có nhiều mô hình nuôi Tôm tiên tiến như: Nuôi Tôm ứng dụng công nghệ cao, nuôi Tôm tuần hoàn lót bạt nhiều giai đoạn, nuôi Tôm trong ao tròn, ao nổi… đã góp phần nâng cao thu nhập cho người nuôi… từ đó, tăng tổng sản lượng Thuỷ, Hải sản, tạo nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến của tỉnh.

Lĩnh vực Lâm nghiệp, tăng cường vai trò của các cấp trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng; tập trung nguồn lực phát triển diện tích rừng phòng hộ ven biển để phát huy vai trò chắn sóng, phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu, quản lý bảo vệ tốt diện tích đã có.

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới được quan tâm thực hiện tốt; diện mạo nông thôn ngày một đổi mới, đời sống người dân nông thôn tiếp tục được nâng lên.

Lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng khảo sát mô hình trồng Dưa hấu.

Sản phẩm OCOP ngày càng được chú trọng phát triển về chiều sâu. Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Sóc Trăng đã được một số hệ thống Siêu thị, Trung tâm thương mại liên kết, tiêu thụ sản phẩm, góp phần đưa sản phẩm OCOP của tỉnh đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Kinh tế hợp tác, Hợp tác xã được quan tâm phát triển; bước đầu đã thực hiện có hiệu quả việc kết nối giữa các Hợp tác xã và giữa Hợp tác xã với các doanh nghiệp nhằm mở rộng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Phong trào thi đua đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2025 đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân tích cực tham gia thực hiện. Các sở, ngành và địa phương đã đề ra các giải pháp chỉ đạo sản xuất để hạn chế thiệt hại, tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nông dân tăng năng suất, hiệu quả trong nông nghiệp, so với cùng kỳ, năng suất lúa tăng 1,02 tạ/ha, mặc dù diện tích gieo trồng giảm nhưng sản lượng tăng 1,46%; sản lượng Thủy, Hải sản tăng 4,50%.

Nuôi Tôm ứng dụng công nghệ cao. 

Thời gian tới, Ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các Sở ngành, địa phương rà soát điều chỉnh Kế hoạch phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, tập trung cơ cấu 3 lĩnh vực chính:

Lĩnh vực trồng trọt: Khuyến khích nông dân yên tâm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy hoạch, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, tăng giá trị trên đơn vị canh tác; Tiếp tục triển khai có hiệu quả Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản, Dự án Phát triển Lúa đặc sản, Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh.

Lĩnh vực thủy sản: Đầu tư phát triển theo chiều sâu, xác định các mô hình nuôi Tôm ứng dụng công nghệ cao, là hướng phát triển chính của tỉnh. Xây dựng phát triển các hình thức nuôi Tôm chủ lực là các mô hình nuôi Tôm ứng dụng công nghệ cao ở mức độ thâm canh và công nghệ cao, triển khai thực hiện Đề án Tôm nước lợ. 

Tận dụng và phát huy hết thế mạnh tiềm năng về đối tượng cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện từng vùng sinh thái và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nước biển dâng, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng, giá trị sản phẩm và hiệu quả sản xuất trong phát triển nuôi thủy sản nước ngọt đối với các huyện vùng trũng, Ngành sẽ phối hợp cùng các địa phương có liên quan tham mưu xây dựng “Dự án phát triển nguồn lợi, xây dựng mô hình và liên kết chuỗi giá trị cá đồng 4 huyện, thị xã vùng trũng tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, đồng thời triển khai thực hiện; đưa hoạt động nuôi cá nước ngọt trở thành lĩnh vực có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh và góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Lần thứ 2 gạo ST25 của tỉnh Sóc Trăng đạt giải gạo ngon nhất thế giới.

Lĩnh vực chăn nuôi: Tiếp tục thực hiện công tác chuyển đổi giống vật nuôi nhằm nâng cao chất lượng cũng như số lượng phù hợp với nhu cầu người nuôi và xu thế phát triển chăn nuôi trong và ngoài tỉnh; thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học hạn chế thấp nhất rủi ro về dịch bệnh trên đàn vật nuôi; quan tâm thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ môi trường từ đó thúc đẩy hình thành các vùng chăn nuôi tập trung đã được quy hoạch, từng bước giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, chấm dứt chăn nuôi tại các khu vực không được phép chăn nuôi theo Nghị quyết 03 ngày 28/12/2022 của HĐND tỉnh, tiếp tục triển khai có hiệu quả Dự án Phát triển chăn nuôi bò triên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 định hướng đến năm 2030.

Nhìn chung, qua 3 năm quyết liệt nỗ lực thực hiện của các cấp, các ngành và người dân, tình hình sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng với nhu cầu thị trường, bước đầu hình thành và phát triển các vùng sản xuất tập trung theo định hướng các sản phẩm chủ lực của tỉnh; chuyển đổi mạnh mẽ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, thể hiện ở chất lượng và giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp ngày càng cao.../.

 Hải An, Trọng Phước, Văn Đại, Bình Trọng


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online